Tiểu cảnh non bộ đẹp và đơn giản, chi phí thấp

Thi công tiểu cảnh có thác nước 7

Tiểu cảnh non bộ đẹp và đơn giản, chi phí thấp

Một số mẫu tiểu cảnh non bộ đẹp và đơn giản, chi phí thấp. Chia sẻ một số kiến thức về hòn non bộ và các thế núi non bộ đặc trưng.

Trong kiến trúc sân vườn Việt Nam gần như không thể thiếu đi hình ảnh của hòn non bộ. Thời trước thì hòn non bộ được đặt ở sân trước làm cảnh đón khách. Trong sân chùa, sân đền thì hòn non bộ như tấm bình phong để trấn yểm cũng như tô điểm cho cảnh quan. Ngày nay các biệt thự, nhà vườn xây hòn non bộ để trang trí khuôn viên sân vườn, trang trí cầu thang, giếng trời. Đặc biệt loại hình này còn trở thành thú chơi tao nhã của nhiều người, giống như đánh cờ, chơi cây cảnh.

Tiểu cảnh non bộ là gì?

Hòn non bộ theo Wikipedia là nghệ thuật xây dựng, sắp đặt, thu nhỏ, mô phỏng những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên đưa vào trong các vườn cảnh để phục vụ mục đích thưởng ngoạn. Đây là thú chơi của rất nhiều người trên thế giới. Như Nhật Bản có Bonkei, Trung Quốc có Penjing. Tuy nhiên người Nhật và Hoa thì chú trọng đến yếu tố cây xanh còn ở Việt Nam thì phát triển theo lối kết hợp với yếu tố nước. Chính vì thế tiểu cảnh non bộ ở Việt Nam thường là các thác nước, đài phun nước mini, tiểu cảnh nước.

Hòn non bộ ở Việt Nam thường là những cụm núi giả đặt giữa một bồn nước nhỏ. Có thể là đặt trong vườn nhà hoặc xây lớn hơn để đặt trong đền, chùa. Bể nhỏ thường không thả cá và có thể trưng trong nhà. Những loại bồn lớn xây ngoài vườn thì có thể nuôi cá kiểng, thả bèo, cây thủy sinh…

Loại đá dùng để đắp hòn non bộ là những loại đá xốp dễ hút nước từ trong bồn lên để nuôi cây. Đá cứng như đá vôi thì cần có khe nứt, kẽ gân để làm mạch nước. Người Nhật và Hoa thì thích những tảng đá có hình thù kỳ dị nhưng người Việt thì ưa những tảng đá giống ngọn núi hay hải đảo hơn. Núi đắp là số lẻ như 1, 3, 5 chứ không đắp số chẵn.

Trong nghệ thuật non bộ thì trọng tâm chính là hồn của đá, cây xanh và nước là các yếu tố tô điểm thêm nét tự nhiên cho núi giả. Sắp xếp bố cục sao cho hài hòa, đảm bảo tỷ lệ như ngọn núi cao, mặt nước lặng, nét gần xa…

Giới thiệu một số thế núi non bộ đặc trưng

1. Thế núi độc phong

Tiểu cảnh non bộ này với hình dáng không có núi khách xung quanh, không có gò, đồi chân núi. Tiểu cảnh này thường phải cao, hiểm trở, chóp núi nhọn. Thế núi này mang “tính cách” ngạo nghễ, kiêu hãnh, đầu đội trời, chân đạp đất của một nam nhi..

2. Thế song phong

Đây là thế núi có 2 chóp đứng, “Song” thể hiện cho 1 cặp. Thế núi này không được phổ biến vì số chóp núi chẵn và chỉ có 1 cặp nên tạo cảm giác lạnh lẽo. Nếu một chóp cao, một chóp bé sẽ làm liên tưởng hình ảnh chỉ có cha – con hoặc mẹ – con.

3. Thế đa phong

Thế đa phong thường phổ biến trong tiểu cảnh sân vườn. Đây như một quần thể các ngọn núi tạo thế trường sơn. Các ngọn núi cao thấp hoặc ngang nhau nhưng luôn chỉ có một ngọn núi cao nhất. Ngọn cao nhất là núi chủ, các ngọn còn lại gọi là khách hoặc chư hầu. Ngọn núi chủ sẽ thể hiện “tính cách” quần thể núi trong hòn non bộ. Nếu núi chủ cao, nhọn như thế núi độc phong thì quần thể này cũng sẽ mang dáng dấp tính cách như vậy.

4.Thế kỳ phong

Thế núi kỳ phong là thế núi đứng cách biệt, xa hẳn các núi nhỏ khác. Tiểu cảnh này như sự kết hợp giữ thế độc phong và thế đa phong. Ngọn núi biệt lập cao dị thường, mang vẻ lạnh lùng, bí ẩn gây sự hứng thú, tò mò cho người xem.

5. Thế cương lĩnh

Đây là quần thể núi thấp, thoai thoải, chóp núi tròn đầu. Có thể nói đây là tiểu cảnh “núi già”. Tiểu cảnh này thường mang không khí hiền hòa, bình an bằng những tiểu cảnh chân núi như lão ngư phủ câu cá, mục đồng chăn trâu thả diều…Hoặc tiếng thác nước chảy róc rách cũng phù hợp cho thế cương lĩnh.

6. Thế long thăng

Long Thăng là tên gọi Hán Việt, nghĩa là rồng bay lên trời. Thế núi Long Thăng thường hiểm trở, ngoằn nghèo, sườn nghiêng dốc. Hướng núi nghiêng đón Hừng Đông – ánh Mặt Trời buổi sáng. Thế núi này mang hình ảnh sự vươn mình trỗi dậy, giàu sức mạnh tiềm tàng, không bao giờ chịu khuất phục khó khăn.

7. Thế lập chương

Thế lập chương có những ngọn núi vừa cao, vừa trải rộng, có những khoảng bằng phẳng hiền hòa những cũng có những đoạn trắc trở khó lường. Tạo cảm giác khấp khuỷu bấp bênh cũng như dòng đời, vì thế đây là thế núi ít được ưa chuộng và biết đến.

8. Thế kỳ nham

Đây là thế núi độc đáo, kỳ lạ thường kích thích sự sáng tạo, tưởng tượng củ người thưởng ngoạn, chẳng hạn như hòn Vọng Phu trong thực tế. Thế núi này thường khó sắp đặt vào tiểu cảnh vì khi có sự tạo dựng của bàn tay con người (đục đẽo, duỗi đá) sẽ mất sự thú vị của núi. Trừ khi người chơi sưu tầm được một tảng đá thực tế có hình dạng lạ mắt và lắp đặt vào tiểu cảnh, còn lại, sự cố ý đều khiến tiểu cảnh không còn trọn vẹn.

Gợi ý một số mẫu hòn non bộ kết hợp tiểu cảnh nước đẹp

 

5/5 (10 Reviews)